Trong kinh doanh, Founder là người thành lập công ty.
👍Khi một doanh nghiệp gọi vốn ở những vòng Co founder, Angel (nhà đầu tư thiên thần), Venture Capital (quỹ mạo hiểm),… chính là lúc Founder phải thể hiện rõ nhất khát vọng và năng lực hành động của mình. Hay nói một cách khác: lúc này, nhà đầu tư chưa nhìn thấy sự thành công của Doanh nghiệp, họ đánh cược vào khát vọng và năng lực thực thi của Founder. Hoặc nói khác đi, lúc này là lúc founder phải “bán mình”.
Vậy, Founder phải có những gì để hấp dẫn nhà đầu tư? Sau đây là 9 trong nhiều yếu tố để nhận diện một founder nhiều điểm cộng.
1. Founder rất yêu sản phẩm, thường khởi nghiệp từ lĩnh vực mà anh ấy là chuyên gia. Khi nhận thấy tiềm năng, cơ hội của sản phẩm, anh ấy mong muốn mang nó ra thị trường. Với nhà đầu tư, đây chỉ là câu chuyện “mở bài” của một câu chuyện dài hoặc nó chỉ là “sản phẩm dẫn” nhưng với Founder, nó lại là một hành trình trăn trở tìm ra năng lực lõi, tìm ra triết lý kinh doanh, tìm ra đam mê, sứ mệnh và khát vọng của mình cũng như doanh nghiệp.
2. Founder phải có niềm tin mãnh liệt vào ý tưởng kinh doanh của mình, kiên trì và bền bỉ vượt qua những giai đoạn khó khăn lúc khởi nghiệp.
– Có chủ doanh nghiệp điều hành kinh doanh tăng trưởng, có lãi nhưng vẫn luôn cảm thấy “chán hoặc chưa vui” với công việc hiện tại, hoặc tệ hại hơn là muốn “chạy trốn” khỏi nó.
– Có Founder đi gọi vốn nhưng khi được hỏi sâu về đam mê và sứ mệnh cá nhân thì chả liên quan gì đến doanh nghiệp.
– Ai dám đầu tư vào một ý tưởng kinh doanh mà bản thân người thực hiện nó cũng không tin vào sự thành công của nó hoặc sẵn sàng bỏ dở ý tưởng kinh doanh đi thực hiện đam mê khác.
Founder là người truyền cảm hứng, kết nối tình yêu doanh nghiệp của mình với người khác “từ trái tim đến trái tim”, bảo vệ ý tưởng của mình trước đối tác, trước Co founder và trước các nhà đầu tư.
3. Founder là người xây dựng ý tưởng kinh doanh, thiết kế doanh nghiệp và tổ chức xây dựng doanh nghiệp.
– Trên thực tế, có founder chỉ làm sản phẩm và mang ra bán, công việc cứ thế vận hành một cách tự nhiên, hổng đâu – vá đó. Nếu không thuộc nhóm 95% doanh nghiệp phá sản thì anh ấy sẽ đi lên theo bậc “tự doanh – manager – leader – nhà đầu tư – doanh nhân”.
– Nhưng cũng có những founder lại bắt đầu từ giấc mơ. Họ có ý tưởng và thiết kế doanh nghiệp bắt đầu từ giá trị. Từ đó, tìm mọi nguồn lực để thực hiện ước mơ của mình, lấp đầy những chỗ còn trống còn thiếu trong doanh nghiệp.
– Dù lựa chọn cách nào đi chăng nữa, ước mơ to hay nhỏ, đi nhanh hay đi chậm thì founder vẫn luôn là người thiết kế doanh nghiệp. Nhà đầu tư sẽ thích một founder có một bản thiết kế doanh nghiệp với đích đến rõ ràng và các KPI mục tiêu cụ thể theo lộ trình.
4. Founder là người trực tiếp tiến hành việc biến ý tưởng thành hiện thực: từ setup doanh nghiệp và chạy start up. Jolie đã từng gặp tình huống: Một nhóm bạn đều là những chủ doanh nghiệp rất xuất sắc và rất thành công trong lĩnh vực riêng của mình. Họ cùng nhau thành lập một công ty để thực hiện một ý tưởng kinh doanh chung rất hay. Họ được gọi là Founder của công ty mới. Nhưng công ty đó, ý tưởng kinh doanh đó vẫn không thành công. Lý do duy nhất vì “công ty không founder đúng nghĩa”. Nhóm bạn kia xây dựng một Doanh nghiệp trong tình trạng partime, đến họp và đi về, không ai làm fulltime xây dựng doanh nghiệp, mọi thứ triển khai giao cho nhân viên. Sau đó họ tìm ra một người yêu ý tưởng đó, sẵn sàng đánh đổi thời gian, công sức, tiền bạc,.. để xây dựng doanh nghiệp, nhóm còn lại hỗ trợ rất tốt và dự án chạy rất ổn.
5. Một minh chứng khác của đam mê đó là “hành động”. Founder là người lặn lội, trực tiếp tìm kiếm các nguồn lực để hình thành công ty và đưa nó vào hoạt động. Có founder luôn nói “tôi yêu sự nghiệp này, yêu doanh nghiệp này, nó là máu thịt của tôi” nhưng anh ta chỉ ngồi đó diễn thuyết và chờ gọi vốn. Nhà đầu tư là người có tiền, họ rất thông minh và có kinh nghiệm, họ không dễ dàng bỏ tiền vào cho một founder mà chỉ nói, không làm. Một founder có đam mê thì ngay cả khi khó khăn thì doanh nghiệp của anh ta vẫn phải “ngọ nguậy”, anh ta tìm mọi cách để làm công việc mà anh ấy yêu thích: đó là phục vụ khách hàng bằng sản phẩm của mình, thực hiện sứ mệnh của mình, không nhiều thì ít.
6. Là người dẫn dắt tổ chức cho đến khi công ty thực sự phát triển đến tầm hệ thống thì mới thuê CEO. Một số bác khát khao “giải phóng lãnh đạo” quá sớm nên chưa kịp xây doanh nghiệp đã vội chuyển giao. Kết quả là doanh nghiệp đi chệch hướng và cuối cùng vẫn phải đến tay mình sửa lại. Chuyển giao là chuyển giao hệ thống, chuyển giao văn hoá, chuyển lửa khát vọng, … Khi Doanh nghiệp chưa ổn định thì chưa có gì để chuyển giao.
7. Thực hiện gọi thêm Founder, Co founder và trực tiếp tuyển chọn những vị trí quan trọng trong công ty. “Muốn đi xa thì đi cùng nhau”, Founder không thể tự xây dựng một doanh nghiệp vĩ đại một mình. Hoặc là làm CEO một mình theo cách “tự làm thuê cho chính mình” hoặc là cần đồng đội. Vì là người thiết kế doanh nghiệp nên founder hiểu rõ mình cần một “đội bay” như thế nào, từ đó tìm kiếm đồng đội phù hợp. Một số nhóm founder vỡ trận vì họ khác nhau về giá trị sống, văn hoá,.. Một số nhóm founder vỡ trận bởi không hoà hợp về hành vi, tính cách. Một số nhóm founder vỡ trận dù hợp nhau về hành vi tính cách nhưng cả nhóm lại thuộc hành vi “chậm” trong khi doanh nghiệp đang ở giai đoạn cần hành vi “nhanh và quyết liệt”,…
8. Chịu rủi ro để xây dựng công ty. Founder phải là người đầu tiên đánh đổi thời gian, tiền bạc của mình vào dự án. Nếu anh không dám đầu tư thì không ai dám đầu tư cùng anh trong cuộc chơi này. Bạn đã bao giờ gặp tình huống bank yêu cầu phải thế chấp nhà của founder khi vay vốn chưa ạ?
9. Học hỏi và tiến bộ mỗi ngày là biểu hiện rất quan trọng. Không ai tắm hai lần trong một dòng sông. Ngay cả khi founder có kinh nghiệm xây dựng doanh nghiệp trước đây thì khi bắt đầu dự án mới, anh ta cũng vẫn luôn trong tâm thế học hỏi để làm tốt nhất cho cuộc chơi lần này.
9 điều trên tưởng chừng đơn giản nhưng rất nhiều Founder đã bỏ qua hoặc đã có trong mình nhưng chưa gọi tên chính xác để làm kim chỉ nam cho hành động. Đây là lý do mà doanh nghiệp cần có những người coach bên mình. Bằng những câu hỏi khai vấn, những #business_coach hoặc #financial_coach của chúng tôi luôn giúp chủ doanh nghiệp hoàn thiện 9 điều trên trước khi bắt tay vào việc xây dựng doanh nghiệp hoặc #Tái_cấu_trúc_doanh_nghiệp.
Chúc các Founder thành công
~ COACH Jolie Hướng Dương Nhà Huấn Luyện Doanh Nghiệp tại ActionCOACH Doanh Chủ Firm